Logo Du lịch có tâm
Tháp Tokyo Skytree – Đỉnh cao của thành phố Tokyo

Tháp Tokyo Skytree - Đỉnh cao của thành phố Tokyo

Tháp Tokyo Skytree

Cao chót vót trên đường chân trời của thủ đô, tháp Tokyo Skytree cao 634 mét và cho tầm nhìn toàn cảnh Tokyo. Vào một ngày quang đãng, đây là một trong số ít những điểm bạn có thể nhìn thấy Núi Phú Sĩ từ Tokyo.

Tháp Tokyo Skytree (東京スカイツリー Tōkyō Sukaitsurī) là một tháp phát sóng, nhà hàng, và đài quan sát tại quận Sumida của thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Tòa tháp nổi tiếng với vị trí số một trong danh sách những tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới, và cũng là công trình cao thứ hai thế giới sau tòa Burj Khalifa.

Nếu bạn đã quyết định du lịch Nhật Bản hay Tokyo tự túc, tháp Tokyo Skytree sẽ là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua!

Giới thiệu chung về tòa tháp Tokyo Skytree

Tháp Tokyo Skytree tọa lạc ở 1-chōme-1-2 Oshiage, quận Sumida, thành phố Tokyo, Nhật Bản, gần dòng sông Sumida và ngôi chùa thờ Nữ thần Từ bi Sensoji nổi tiếng. 

Thiết kế của Tokyo Skytree được công bố vào ngày 24 tháng 11 năm 2006 do Nikken Sekkei chịu trách nhiệm chính, dựa trên 3 quan niệm sau đây: Dung hòa cũng như kết hợp vẻ đẹp hiện đại và vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản, xúc tác cho sự phát triển của thành phố và đóng góp cho công cuộc phòng ngừa động đất – “An toàn và An ninh”. 

Tháp Tokyo Skytree được xây dựng làm nơi phát sóng truyền hình và phát thanh chủ yếu tại khu vực Kanto cho 6 đài: Tổng hợp NHK, Giáo dục NHK, Truyền hình Nippon, Truyền hình Asahi, Truyền hình TBS, Truyền hình Tokyo, Truyền hình Fuji.

Tháp Tokyo Skytree ở Tokyo, Nhật Bản
Tháp Tokyo Skytree ở Tokyo, Nhật Bản

Khi được khánh thành vào ngày 22 tháng 5 năm 2012, tháp Tokyo Skytree được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là tòa tháp cao nhất thế giới, với chiều cao 643m.

Nó nhanh chóng trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Tokyo, thu hút tới 1,6 triệu du khách ghé thăm ngay tuần đầu tiên mở cửa.

Cấu trúc của tòa tháp Tokyo Skytree

Tiết diện của tháp Tokyo Skytree tạo thành một hình tam giác đều trên mặt đất, dần tròn lại để trở thành hình tròn hoàn chỉnh đem lại cảm giác vững chãi về phần nhìn lẫn trên thực tế.

Theo những nhà thiết kế của tòa tháp thì các bộ giảm chấn có thể hấp thu 50% năng lượng từ một trận động đất và khả năng chống chịu những trận động đất lên tới 9 độ richter.

Cơ chế này được dựa theo “shinbashira” (cấu trúc cố định bằng một trụ trung tâm) của tháp Goju-no-to, chùa tháp 5 tầng truyền thống ở Nhật Bản.

Các đài quan sát tháp Tokyo Skytree được đặt lần lượt ở độ cao 350 m và 450 m với sức chứa tương đương 2000 người và 900 người.

Đài quan sát phía trên là một con đường hình xoắn ốc, một đoạn sàn được làm bằng kính tạo cảm giác như du khách đang đi bộ trên không trung vậy.

Tòa tháp được bao bọc bởi khung lưới sơn màu mang tên “White Skytree” – dựa trên màu trắng pha sắc xanh truyền thống của Nhật Bản hay còn gọi là “lam bạch”. Tháp được chiếu sáng bằng các đèn LED do Panasonic sản xuất, mang đậm nét thẩm mỹ cổ điển của đất nước mặt trời mọc.

3 màu sử dụng luân phiên là:

  • xanh thiên thanh – chiếu sáng trụ trung tâm xuyên suốt tháp để thể hiện dòng nước sông Sumida;
  • hồng miyabi tao nhã – thực chất là ánh sáng lam tím đem đến vẻ đẹp tinh tế, lấp lánh như dát vàng đầy sang trọng, duyên dáng
  • cam đỏ nobori tượng trưng cho sự may mắn, dự báo những điều tốt lành. 

Ý nghĩa tên gọi của tòa tháp Tokyo Skytree

Có một sự thực bất ngờ là người ta đã tổ chức hẳn một cuộc bình chọn để tìm ra tên gọi phù hợp nhất cho tháp truyền hình. Cuối cùng, tên gọi “Tokyo Skytree” đã vượt qua 5 cái tên khác để giành “chiến thắng” với tỉ lệ 30% trong tổng số 110.000 phiếu bầu.

Chiều cao 634m của tòa tháp Tokyo Skytree cũng mang một ý nghĩa độc đáo nhiều hơn chỉ là do dễ nhớ. Các con số 6 (mu), 3 (sa), 4 (shi) tạo thành Musashi, tên cổ của khu vực mà Tokyo Skytree đang tọa lạc.

Các con số và mốc thời gian thú vị về tòa tháp 

  • 36000 tấn: là tổng trọng lượng khung thép của tòa tháp
  • 806 triệu đô la: Chi phí xây dựng của Tokyo Skytree
  • 2523 bậc: là tổng số bậc thang của tòa tháp tính từ tầng 1 đến tầng 445.
  • 2900 người: là tổng sức chứa 2 đài quan sát của Tokyo Skytree Tembo Deck và Tembo Galleria.
  • 11/07/2011:  Tokyo SkyTree được công nhận bởi Kỷ lục Guinness Thế giới là tòa tháp đứng tự do cao nhất thế giới.
  • 1325 ngày: Tổng số ngày để hoàn thành công trình Tokyo Sky Tree, tính từ ngày 7/14/2008 đến ngày 2/29/2012. 
  • 1 tuần: thời gian mà người dân đã phải xếp hàng chờ để có vé cho ngày khánh thành. 

Tham quan tháp Tokyo Skytree

Trước khi đến với các đài quan sát, bạn có thể mua cho mình những món đồ chất lượng với mức giá hợp lý từ tầng 1F đến 5F. Nếu bạn di chuyển tới toà tháp bằng phương tiện cá nhân thì có thể đỗ xe ở tầng B1. 

Tại Tokyo Skytree không chỉ có 1 mà tới 2 tổ hợp đài quan sát với các dịch vụ giải trí & ăn uống khác: Tembo Deck ở độ cao 350m (tầng 340 – 350) và Tembo Galleria ở độ cao 450m (tầng 445 – 450). Khi đến tòa tháp, bạn mua vé đi thang máy siêu tốc từ tầng 4 lên thẳng Tembo Deck (tầng 340).

Tầng đầu tiên của đài quan sát Tembo Deck là tầng 340 bao gồm khu vực chụp ảnh lưu niệm, quán cà phê Skytree và sàn kính. Sàn kính cường lực chịu nhiệt dày 48mm với quang cảnh trải ra ngay dưới chân bạn. Tiếp theo là tầng 345 với nhà hàng Sky 634 và cửa hàng Sky Tree cho du khách tạm thời nghỉ chân.  

Tầng chính của đài quan sát Tembo Deck là tầng 350. Điều đặc biệt ở tầng này chính là bức bình phong Edo Hitomezu Byobu tái hiện lại khung cảnh thành phố Edo cho bạn cơ hội ngắm nhìn thủ đô Tokyo nhộn nhịp thời hiện đại cùng với Edo của những ngày xưa cũ. 

Tiếp tục đi lên Tembo Galleria, điểm cao nhất mà bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Tokyo là Sorakara Point.

tầng 445 cũng có một khu vực chụp ảnh lưu niệm giống với Tembo Deck.Vì đài quan sát mở cửa tới tối muộn nên nếu bạn có cơ hội đi vào những chuyến cuối, khi toàn bộ thành phố Tokyo đã lên đèn thì trải nghiệm sẽ càng trở nên tuyệt vời hơn.

Lưu ý khi tham quan tòa tháp 

Nếu không tuân thủ các quy định, bạn có thể sẽ bị từ chối cho vào cửa hoặc bị mời ra ngoài. Chính vì thế, bạn hãy chấp hành nội quy và cẩn thận trong việc bảo quản đồ đạc cá nhân của mình.

Khi tham quan tháp Tokyo Skytree, các bạn sẽ phải đi qua máy dò kim loại. Lưu ý, không mang vào bên trong tòa tháp những vật nguy hiểm, vật nuôi.

Vào những ngày thời tiết xấu khung cảnh trên đài quan sát sẽ bị che khuất. Ngày gió mạnh sẽ bị giới hạn vào cửa

Khi Tokyo Skytree đông khách, một phần lộ trình và khu vực tham quan có thể sẽ bị hạn chế hoặc cắt bớt theo sự hướng dẫn của các nhân viên. Bạn cũng nên đến sớm hơn giờ ghi trên vé nhé.

Giờ mở cửa: từ 8h sáng đến 22h (thời gian đón khách lượt cuối là 21h)

Cách di chuyển & mua vé tham quan tháp

  • Dừng tại ga “Tokyo Skytree” của tuyến Tobu Isesaki line hoặc tại ga “Oshiage” của các tuyến Tokyo Metro Hanzomon line, Keikyu Line, Toei Asakusa Line, Narita Sky access line, Keisei line sau đó đi bộ hai phút tới tòa tháp. 
  • Đi xe bus dùng tuyến Toei bus, dừng ở “Tokyo Skytree ekimae”.
  • Đi xe hơi dùng Metropolitan Expressway No. 6 Mukojima Route, lối ra ở “Komagata IC”. Thời gian bãi xe hoạt động từ 7:30 ~ 23:00. 
  • Bạn có thể đặt trước vé tham quan trên trang web chính thức của Tokyo Skytree. Ngoài ra, các tour du lịch kết hợp tham quan tòa tháp với One piece Tower hay Chùa Sensoji, các bảo tàng, thế giới truyện tranh J-World… cũng là một sự lựa chọn khá hay ho dành cho bạn.

Tháp Tokyo Skytree là điểm đến mà bạn không thể bỏ lỡ khi đã đến với thủ đô Tokyo. Tham quan tòa tháp và ngắm nhìn thành phố từ trên cao cũng như thưởng thức vẻ đẹp bên trong của tháp Tokyo Skytree, bạn sẽ thấy hiểu thêm về vùng đất này cũng như tinh thần, quan niệm nghệ thuật thẩm mỹ của con người Nhật Bản. 

Khám phá Tour du lịch Hấp dẫn